TỲ BÀ
.......
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Mấy dòng thơ cũ
Bán thi
Năm trên tôi có bài rao “bán sầu” được một ít anh em mua cho, nói cho phải, món hàng không đến ế. Hiện món sầu bán đã gần hết, lục trong cái kho “não” lại còn món hàng “thi”, cả cũ cả mới cũng khá nhiều. Nay tôi muốn bán nốt món [……] (a) đến, xin tính giá rất rẻ và các nhà đại lý xin biếu cả 99%. Vậy có bài hát rao:
Năm trên (2) tớ đã bán “sầu”,
Món hàng khá đắt khách cầu khách mua.
Còn món “thi” cũng của chua, (3)
Khách nào có thích, tớ cũng bán đùa làm quen.
Sầu đã bán thôi thi cùng bán nốt,
Mối thi sầu không cột lại làm chi.
Kìa như than, như khóc, như túy, như si, (4)
Nào giọng đờn ai oán, nào giọt lệ lâm ly, (5)
Rút cục lại “mốc xì” gì đâu có. (6)
Rồng vẽ, lối xưa toàn những sáo,
Cua bò, thi mới chẳng thành câu. (7)
Cũng rung đùi xưng Lý, Đỗ, Hàn, Tô,
Rõ bát xáo cổi quần mò không thấy cái.
Tớ trót đã cùng mang bệnh dại,
Từ nay toan đem bán lại cho đời. (8)
Khách làng thi ai cần đến đồ chơi, (9)
Tớ bán rẻ không lời và cho cả vốn. (10)
Đời tranh cạnh xen thi vào càng lộn xộn,
Chẳng ích chi thêm hao tổn lòng người.
Để công phấn đấu với đời. (b)
Nguồn:
- Tiếng dân, Huế, s. 954 (1er Septembre 1936), tr. 2.
- Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988), tr. 36-37
Chú thích:
(a) Chỗ này báo rách, mất 1 dòng, chừng 9-10 từ.
(b) Bài này đăng báo Tiếng dân đã gây nên một cuộc bút chiến nho nhỏ dưới dạng họa đáp bằng thơ (xem trong phần dư luận về thơ Bích Khê trước 1945)
Khảo dị:
(1) Bán thơ (Thơ BK, 1988)
(2) Hôm xưa (Thơ BK, 1988)
(3) Còn món thi vẫn của chua (Thơ BK, 1988)
(4) Kìa như đau, như khổ, như oán, như si (Thơ BK, 1988)
(5) Nào giọng đờn ai oán, nào giọt lệ lâm ly (Tiếng dân, 1936)
Nào giọng đàn ai oán, giọt lệ thương bi (Thơ BK, 1988)
(6) Kết cuộc lại “mốc xì” gì đâu ráo (Thơ BK, 1988)
(7) Cua bò, thơ mới chả nên câu (Thơ BK, 1988)
(8) Từ nay xin đem bán lại cho đời (Thơ BK, 1988)
(9) Khách làng thơ ai cần đến đồ chơi (Thơ BK, 1988)
(10) Tớ bán rẻ không lời và cho cả vốn (Tiếng dân, 1936)
Sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn)
Tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.
Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp. Nhờ giao thông thuận tiện, có sông lớn, gần cửa biển, nên Thu Xà đã từng có thời kỳ rất sầm uất, buôn bán thịnh vượng, nhưng đã dần sa sút từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.