TỲ BÀ
.......
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Mấy dòng thơ cũ
Giàu văn
Ông có nghèo tiền mặc kệ ông,
Ông giàu bạc vạn mớ văn ngông.
Dồn vô một mớ no đầy bụng,
Dùng đến ngàn thu cũng chả lưng.
Mốc nhỉ, phơi cho thiên hạ thấy,
Hứng lên, xổ hết vạn người trông.
Còn gì dám bảo ông nghèo nhỉ ?
Phụng múa oanh ca cắc cắc tùng ! (1)
Nguồn:
Tiếng dân, Huế, s. 1442 (23 Décembre 1939), tr. 1
Chú thích:
(1) Bài này đăng Tiếng dân cuối năm 1939; điều đáng chú ý là ngay bên dưới bài này, tòa soạn cho đăng bài thơ Ngông của Thanh Trúc họa lại bài trên. Có thể đoán là tòa soạn Tiếng dân dị ứng với khẩu khí bài thơ của Bích Khê nên đã đưa cho một ai đó đọc và làm bài đáp mang tính bút chiến, để đăng ngay cùng trang với bài thơ của Bích Khê. Đây có lẽ là bài thơ cuối cùng Bích Khê đưa đăng báo Tiếng dân. (xem bài họa đáp trong phần dư luận về thơ Bích Khê trước 1945 trong sách này)
Sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn)
Tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.
Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp. Nhờ giao thông thuận tiện, có sông lớn, gần cửa biển, nên Thu Xà đã từng có thời kỳ rất sầm uất, buôn bán thịnh vượng, nhưng đã dần sa sút từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.