TỲ BÀ
.......
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Tư liệu
NƠI ĐÂY LÀNG CŨ BUỒN THU QUẠNH
NƠI ĐÂY LÀNG CŨ BUỒN THU QUẠNH
Có thế đấy là câu thơ là lượt người nào một lúc nào đó bỗng trong ngân ngân trong lòng một cách bâng quơ. Bích Khê không phải là “nhà thơ quê hương” như Tế Hanh, nhưng không phải quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ tượng trưng này lại không để lại dấu ấn gì trong thơ. Quê hương mỗi người chỉ một. Trong cuộc đời ngắn ngủi vỏn vẹn chỉ có ba mươi năm của mình, Bích Khê sống phần lớn ở quê hương. Viết hay không viết về quê hương là một chuyện, còn dấu ấn của quê hương dù vô tình hay hữu ý lưu lại trong cuộc đời và sáng tác của nhà thơ lại là một chuyện khác.
Trong sáng tác của Bích Khê, có một số bài dành cho quê hương với nhiều cảnh vật, nhiều giác độ khác nhau. Quê hương với ý nghĩa là “làng em”.
Nơi đây: làng cũ buồn thu quạnh
Anh có khi nào trở lại chưa
Ngày đi chậm lắm. Giòng sông biếc
Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa.
Nơi đây: thành phô/ đời ngưng mạch
Mâý nàng lai khách vẫn buồn mơ
Đường lên hội quán sương khuya xuống
Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ?
Làng em vừa thực mà như vừa ảo, ảo mà thực. Và rất có nét riêng. Đó là làng Thu Xà hay Tiên Sà một thời vang bóng. Làng nằm ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc với phù sa màu mỡ, tre trúc tươi xanh. Có cảm giác ngày đi chậm lắm có thế là do tiết thu trời không nắng và cũng bởi bóng tre trúc che phủ, và hơn cả là ở tâm trạng, ở lòng người. Có thể mùa thu chỉ là cái cớ để nhà thơ bộc lộ cảm xúc về làng quê. Cùng là nơi đây nhưng trên thì bảo là làng cũ buồn thu quạnh, dưới lại viết là thành phố đời ngưng mạch, Bích Khê không phải muốn làm cho người đọc phải nát óc suy nghĩ. Sự thực Thu Xà vẫn là nơi sầm uất nhất trong tỉnh Quảng Ngãi ngày ấy, với phố xá đông đúc, thuyền bè tấp nập, vốn là nơi mà những người Trung Hoa sang lưu chân buôn bán, người địa phương quen gọi là “phố khách”, còn Hoa Kiều thì gọi là “lai khách” hay “khách”, một kiểu gọi khá lịch sự. Thu Xà cũng có cả hội quán như thơ Bích Khê đã viết. Nhưng trải qua những cuộc bể dâu, Thu Xà đã dần sa sút. Cho nên đọc bài “Làng em” ta thấy Bích Khê tả thực hơn là siêu thực hay là tượng trưng. Nhưng vẫn có dấu vết của siêu thực. Đó chính là nhạc điệu, là nhịp điệu của bài thơ. Cũng là thơ bảy chữ, nhưng Bích Khê làm cho câu thơ khi thì có nhịp điệu chậm khi thì bỏ lửng bằng một câu hỏi, gợi tả rất đậm nét cái không khí buồn lặng của làng.
Đương thời cùng quê hương Quảng Ngãi với Bích Khê có nhà thơ Tế Hanh. Tế Hanh cũng viết về làng, nhưng bài “Làng tôi” của Tế Hanh lại rất thiên về bút pháp tả thực, ở đó hiện lên những nét cũng rất đáng yêu, nhưng tất cả đều mạch lạc, đều trực cảm, từ câu đầu đến câu cuối:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Nếu Tế Hanh nói trực tiếp là “làng tôi” thì Bích Khê gọi là “làng em” một cách gọi gợi thương và cấu tứ với hai câu hỏi bỏ lửng:
Anh có khi nào trở lại chưa
Anh có khi nào còn trở lại.
Không dám nói bài thơ nào hay hơn, nhưng rõ ràng “Làng em” gợi hơn, nhất là khi ta lẩm nhẩm một cách vô thức ngẫu nhiên đến những câu thơ nào đó của bài:
Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy
Khóm lan thơm nặng khí ưu phiền
“Làng em” có phần giống và khác với bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Cái giống nhau là cùng viết về một làng thôn, cùng dùng thể thơ bảy chữ và ngắt khổ bốn câu, “Đây thôn Vỹ Dạ” cũng gợi bằng những câu hỏi, nhưng nếu cái đẹp của thôn Vĩ Dạ là cái đẹp của ngày với “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, với màu trắng sáng trong “áo em trắng quá nhìn không ra”, pha thêm chút mơ hồ sương khói, thì “Làng em” có vẻ đẹp buồn buồn lặng lặng của chiều, của đêm, của khóm lan, của tiếng dơi bay, của trăng sáng và bao trùm là cái đẹp của hồn người. Hàn Mặc Tử chừng như viết về thôn Vĩ Dạ với tư cách là khách, còn Bích Khê viết về Thu Xà với tư cách là chủ, tất nhiên.
Với Thu Xà, Bích Khê còn có bài “Về Thu Xà cảm tác” được xếp trong tập “Mấy dòng thơ cũ”, đúng là một bài đường luật thất ngôn bát cú chính hiệu, được viết hoàn toàn theo bút pháp tả thực, mô tả cái phố chợ đang hồi sa sút, cái sự bát nháo, cái nỗi lo đói kém, thuế xâu, công nợ. Lại có một bài đề là “Chùa ông Thu Xà” in trong tập “Tinh Hoa” là tập mà các thi hữu của Bích Khê cho là bút pháp đã già dặn. Nhưng lạ chưa, bên cạnh những bài thơ rất tượng trưng siêu thực như “Duy tân”, “Ngũ Hành Sơn”, ở đây ta lại bắt gặp một bút pháp tả thực pha một chút siêu thực, một chút khí vị của Đường thi:
Mây trắng bay về núi Thạch chưa
Chùa ông chim hót ở ngoài mưa
Ngồi trên gò mả nghe chuông vọng
Sắc cỏ thơm mùi kinh sách xưa
Quê hương cũng là Trên núi Ấn nhìn sông Trà cũng trong tập Tinh hoa:
Trà giang Thiên Ấn chuông gầm sóng
Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm thành
Nghìn năm quả Ấn nằm trơ mốc
Một dải sông Trà chảy sậm xanh
Xót hồn cổ độ sông vài giọt
Xịch bóng tà huy nguyệt mấy canh
Nghìn dặm cố nhân đâu có tá?
Tiếng chim kêu lạnh đập trong cành
So sánh với nhiều bài thơ cùng viết về núi Ấn sông Trà (của nhiều tác giả khác), có thể nói bài này thuộc hàng hay nhất. Bài thơ có thể được viết khi nhà thơ dựng lều ở trên Thiên Ấn để chữa bệnh. Đứng trên “đệ nhất thắng cảnh” Quảng Ngãi trong xa ngàn dặm ngun ngút là nhớ đến cố nhân, nghe được cả tiếng chim kêu lạnh. Nỗi khát khao gặp cố nhân đâu chỉ là tâm trạng của riêng nhà thơ? Bài thơ nếu có chút tượng trưng đi nữa cũng không nhiều. Người ta hay nhấn mạnh đến chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Bích Khê, đúng là như vậy, nhưng xin đừng tuyệt đối hóa nó. Tả thực, siêu thực, tượng trưng hay gì gì khác đều có cái hay cái dở, mặt mạnh mặt yếu của nó. Hẳn Bích Khê cũng hiểu rỡ điều đó nên bên cạnh sự cách tân khá triệt để, nhà thi sĩ cũng cứ đều đều xài bút pháp cổ điển, thể thơ cổ điển ở một số bài, thậm chí hòa trộn, đan chen nó trong cùng một bài. Toàn bài Ngũ Hành Sơn có thể là tượng trưng, nhưng nhiều người bỗng quên rằng ở đầu bài lại là một bài thơ Đường thất ngôn bát cú nằm trước như một chapeau của một bài báo. Sự thành bại, hay dở trong những bài ấy tùy theo từng bài cụ thể, song điều ấy không có nghĩa là một sự ô hợp, thập cẩm. Vấn đề thành bại vẫn là ở cái tâm, cái tài, hay nói chữ nghĩa hơn là chính ở bản lĩnh, cá tính sáng tạo của bản thân nhà thơ. Học Tây học Tàu đều rất cần, học hàm học vị cũng nên có, nhưng cái cốt của mọi vấn đề là sức tiêu hóa của cái dạ dày, cái ta, cái tôi của chính nhà thơ. Gần đây nhà thơ Thanh Thơ có một bài viết rất hay Thơ có vần cũng cần tự do với ý nghĩa thơ không thể là của những người có tinh thần làm nô lệ. Thanh Thơ viện dẫn Nguyễn Trãi. Còn riêng tôi lại nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Khuyến, chẳng hạn như câu:
Nghĩ mình mà gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng!
Đọc những câu thơ như vậy, ta quên mất rằng đó là những câu thơ có niêm luật rất chỉnh, nhưng sự thanh thoát của nó khiến ta không lưu ý đến niêm luật. Bích Khê cũng thế. Bích Khê đang làm thơ đường luật mà ta cứ ngỡ như thi sĩ đang chơi thơ tự do, là bởi chính sự thanh thoát. Sự tự do, hay nói cho cùng, là bản lĩnh, là bản thể tự do vốn có của nhà thơ. Nhà thơ không thể là nô lệ của những kẻ bề trên, đành thế, nhưng cũng không thể là nô lệ của niêm luật, thể loại hay trường phái. Cá tính sáng tạo của nhà thi sĩ sẽ không được phát huy nếu nhà ấy tự bó buộc mình trong một cái khuôn nào đó. Nói cách khác, với Bích Khê hay bất cứ một nhà thơ tài danh nào khác, thì bút pháp tả thực hay siêu thực hay tượng trưng chỉ là những công cụ để chiếm lĩnh và biểu đạt của nhà thơ. Tự thân các “phái” không giúp làm nên danh giá cho bất cứ một cá nhân nào, cái mà chỉ có cá nhân đó mới có thể làm nên.
Quê hương là “Làng Em”, là “Chùa Ông Thu Xà”, là “Về Thu Xà cảm tác”, là “Trên núi Ấn nhìn sông Trà”, nói cách khác là cái nhìn, cái cảm của Bích Khê về quê hương, nhưng những bài thơ trên gắn với địa danh cụ thể nên dễ nhận biết. Còn những chỗ nào quê hương mang dáng nét của nó vào thơ Bích Khê? Hỏi ra chính ở vườn nhà Bích Khê thuở ấy có một cây ngô đồng lãng mạn của ca dao và chắc hẳn nó đã hiện thân trong câu thơ mà Hoài Thanh cho là hay nhất trong thi ca Việt Nam:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mang!
Theo đó thì quê hương cũng là cái bầu không khí của tì bà:
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tơ êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Hình như quê hương cũng phảng phất trong đàn mưa giàu nhạc điệu:
Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng
Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan
Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn
Nước non rả rích giọng đàn mưa xuân
Và rất có thể những nét quê hương còn bàng bạc, mờ nhòa qua một số bài thơ tượng trưng, siêu thực của Bích Khê
Cũng như bao người khác, quê hương là nơi nhà thi sĩ hít thở bầu không khí của nó, hình thành nên hình hài cũng như nhân cách của nhà thơ, thành một con người đầy lòng vị tha, hơn thế, còn là đối tượng gợi hứng cho những bài thơ. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình Bích Khê từng ở Ngũ Hành Sơn, Huế, Phan Thiết, Hà Nội, nhưng nhà thơ lại sinh ra lớn lên và mất đi ở Thu Xà, một vùng quê tươi đẹp, khuất nẻo ở Quảng Ngãi. Đất và người quê hương hẳn có những dấu ấn, những ảnh hưởng nhất định trong cách cảm, cách nghĩ của Bích Khê là ta khó nhận biết, nhưng rất cần phải nhận biết. Nó hòa trộn trong thơ Bích Khê những từ ngữ gần như là phương ngôn Quảng Ngãi.
Như từ “đã nư”:
Tôi chợt ôm cô trong giấc mộng
Nút bao thanh khí, đã nư thèm
Như từ “khuya lơ”:
Muốn thấy người xa trong giấc mộng
Khuya lơ còn tựa cửa bên song
Các từ như vậy có sức gợi rất lớn. Người dân quê vùng đất Ấn - Trà thường có câu nói cửa miệng để chỉ những kẻ táo tợn coi trời bằng vung là “bán trời không chứng”, “bán trời không mời thiên lôi”, Bích Khê lấy đó làm điểm tựa để viết bài bán sầu:
Bán sầu chi đó tệ
Xưa đã từng có kẻ bán hoàng thiên
Người bán trời không chứng mới là phiền
Còn tôi bán hàng sầu tiền chẳng lấy.
Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh. Nhà thơ đã đi nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc để rồi quay lại quê cũ Thu Xà. Thì ra nhà thơ tiên phong trong lối thơ tượng trưng không nhất thiết phải ở chốn kinh kỳ mà có thể từ một làng quê xa xôi.
Cũng như truyền thống gia đình, học vấn, quan hệ xã hội, quê hương đã góp phần tích tạo nên một Bích Khê xuất chúng trong thơ, nhưng quê hương của Bích Khê cũng là một quê hương siêu thực. Nỗi đau của hình hài khiến nhà thơ như người không sống trong thực tại. Văn chương như một sự gặp gỡ, giúp nhà thì sĩ siêu thoát. Và ảo mộng hay ít ra nhìn trong những thời khắc ảo mộng. Thời khắc mà Bích Khê nhìn quê hương nhiều khi là lúc “khuya lơ”, là lúc “hoàng hôn trăng đã lên” với khóm lan thơm nặng khí ưu phiền, là lúc về đêm để nghe những nhành nhãn muộn cánh dơi lay. Quê hương với thiên nhiên và con người thoắt ẩn thoắt hiện trong thơ Bích Khê. Bích Khê không phải “nhà thơ quê hương” như Tế Hanh, những bài thơ viết về quê hương của Bích Khê cũng không phải đỉnh cao sáng tác của nhà thơ, nhưng với số ít ỏi thôi, những Làng Em, những Chùa Ông Thu Xà rồi Trên núi Ấn nhìn sông Trà cũng rất có giá, cũng đáng gọi là những bài thơ rất hay.
Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh. Không thể quên rằng làng em được viết trong khi nhà thi sĩ đã nổi bệnh.
Em đang nổi bệnh trong phòng vắng
Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy
Và rồi làng em cũng là nơi nhà thi sĩ tài hoa bạc mệnh nằm chờ đến khi trút hơi thở cuối cùng và những hình ảnh cây ngô đồng, trăng quê hương lại hiển hiện trong bài Đề Thơ Trước Mộ:
Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng
Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi
Sau nghìn thu nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi
Hồn Bích Khê vẫn về trong bóng trăng Thu Xà với một tấm lòng vằng vặc với quê hương…
Nguồn:
Tham luận tại hội thảo Bích Khê 2006 tại Quảng Ngãi.
In trong cuốn: Bích Khê, Tinh hoa, Tinh huyết, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2008.
Sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn)
Tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.
Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp. Nhờ giao thông thuận tiện, có sông lớn, gần cửa biển, nên Thu Xà đã từng có thời kỳ rất sầm uất, buôn bán thịnh vượng, nhưng đã dần sa sút từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.