TỲ BÀ
.......
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Tư liệu
GIA ĐÌNH NHÀ THƠ BÍCH KHÊ, MỘT GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG
GIA ĐÌNH NHÀ THƠ BÍCH KHÊ, MỘT GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG
Cách đây ngót 10 năm, tôi có dịp gặp và hầu chuyện là Lê Thị Ngọc Sương, chị ruột nhà thơ Bích Khê, trong dịp bà về quê với ý định cùng gia tộc xây lại nhà thơ họ và di dời mộ Bích Khê, người em thi sĩ mà bà xiết bao yêu thương từ những ngày hai chị em còn cắp sách đến truờng, về nơi gần nhà thơ họ hơn, đông vui hơn. Nhưng rồi ý định tốt đẹp này của bà Ngọc Sưong không thực hiện được bởi nhiều lý do, trong đó có lý do những người lãnh đạo ở tỉnh và ở xã hồi ấy tỏ ra rất ngần ngại, thậm chí nghi ngờ về nhân thân Bích Khê. Cơ sự cũng chỉ vì một câu chú thích trong một quyển sách dày khoảng 400 trang của ông Bùi Định, quyển Tìm hiểu các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Quảng Ngãi (1885 - 1985). Năm 1986 khi cuốn sách này được sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, ông Bùi Định có đến thăm và tặng tôi cuốn sách. Tôi cảm ơn và hầu chuyện ông về việc viết lách, chuyện gia đình... Cho đến khi tôi đọc sách, dòng chú thích mà tôi nhớ đại ý “Khoảng năm 1936, có một vài nhóm Trotskist hoạt động ở Quảng Ngãi, như nhóm Lê Quang Lương (Bích Khê) ở Thu Xà...”
Chỉ ngắn gọn vậy thôi không thông tin hay giải thích gì thêm. Lúc bấy giờ, tôi cũng chỉ nghĩ có lẽ ông Bùi Định dựa vào việc hồi đó Bích Khê có dịch (không xuất bản, có lẽ chỉ dịch một số đoạn) quyển hồi ký của nhà văn Pháp André Gide “Trở về từ Liên Xô”. Bích Khê là một trí thức, một nhà thơ Tây học, việc Bích Khê đọc hay dịch văn học Pháp, chịu ảnh hưởng của văn học Pháp, thậm chí hâm mộ hay sùng bái một nhà văn lỗi lạc như Gide cũng là chuyện bình thường. Có thể quyển hồi ký của Gide viết về chuyến thăm Liên Xô (hồi đó Gide là một nhà văn Pháp nhiệt tình ủng hộ Liên bang Xô Viết) đã khiến Bích Khê phải suy nghĩ về một số điều. Nhưng nếu từ đó mà cho rằng nhà thơ là đệ tử của Trotskit hay tham gia hoạt động ở nhóm Trotskit thì hơi võ đoán và gọi theo kiểu bây giờ là hơi ... chụp mũ. Dĩ nhiên, quyển sách của ông Bùi Định là tác phẩm của cá nhân ông, không phải một tài liệu chính thức, càng không phải cuốn lịch sử hay Đảng sử, nó chỉ có giá trị tham khảo. Rất tiếc là sau ngày chia tách tỉnh, một số người lãnh đạo mới của tỉnh Quảng Ngãi đã không bỏ công tìm hiểu về Bích Khê và gia đình ông, cũng không đọc thơ Bích Khê, mà thơ là “biên niên sử của tâm hồn” nhà thơ, mà chỉ dựa duy nhất vào một dòng ... chú thích trong một quyển sách, để từ đó tỏ thái độ e ngại, thậm chí phủ nhận đối vói một nhà thơ lẽ ra phải là niềm tự hào của người Quảng Ngãi, trong đó có cả những người lãnh đạo tỉnh. Tôi dám nói chắc, nếu không phải sinh ra ở Quảng Ngãi mà ở một tỉnh khác, có lẽ Bích Khê đã được tôn vinh hơn rất nhiều, ưu ái hơn rất nhiều. Ông xứng đáng được như vậy, không chỉ vì thơ ông, đĩ nhiên thơ ông là yếu tố quyết định cho sự tôn vinh ấy, mà còn bởi nhân cách của ông, lòng yêu nước của ông, và cả truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình ông. Bởi, gia đình Bích Khê đúng là một gia đình yêu nước và cách mạng. Ông nội Bích Khê là Lê Trọng Khanh, là người đỗ đạt, từng là tri phủ Phủ Lý (Hà Nam), nhưng ông đã từ quan về quê ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) do tư tuởng bất hợp tác với Pháp. Trùm Việt gian, đại thần Nguyễn Thân hồi đó biết Lê Trọng Khanh là người có uy tín, có khí tiết nên dụ dỗ ông ra làm quan. Biết được dã tâm này của Nguyễn Thân, ông Khanh đã uống thuốc độc tự tử, quyết nêu cao tiết tháo, không đứng cùng phía với bọn bán nước. Cha Bích Khê là Lê Quang Dục (Nguyễn Thân bắt từ dòng con ông Lê Trọng Khanh không đuợc lót chữ “Trọng”, chẳng biết đó có phải là một cách trả thù?) Ông Lê Quang Dục cũng là một nhà nho học từ chối ra làm quan chỉ ở nhà dạy học, làm thơ, cam sống trong cảnh bần hàn. Bích Khê có bảy anh chị em, nếu tính cả mẹ của nữ sĩ Mộng cầm là con đời vợ trước của ông Dục thì là 8 anh chị em. Cả 8 người con ông Lê Quang Dục đều không có ai hợp tác với Pháp, không có ai là “đối tượng của cách mạng”. Ngược lại, rất nhiều người trong gia đình Bích Khê đã trực tiếp tham gia hoạt động trong các phong trào yêu nước và cách mạng. Chị ruột Bích Khê, bà Lê Thị Ngọc Sưong, người chị gân gũi và được Bích Khê yêu thưong nhất, người ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của Bích Khê, đã tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước từ năm mới 17 tuổi, từ năm bà còn ngồi trên ghế nhà trường. Thoát ly gia đình ra Huế, tìm gặp cụ Phan Bội Châu lúc cụ bị an trí ở Bến Ngự, bà Sương đã được cụ Phan yêu thương và quý trọng nhận làm con nuôi, về sau, bà Sương kết duyên với nhà báo Lạc Nhân, thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Vợ chồng bà Ngọc Sương không chỉ là những người yêu nước trước năm 1945, là những người kháng chiến suốt 9 năm chống Pháp, mà sau năm 1954, ở lại miền Nam, gia đình bà vẫn là gia đình cách mạng, trực tiếp tham gia các hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Sài Gòn. Thời Mỹ ngụy, bà Ngọc Sương đã bị bắt và bị đày ra Côn Đảo suốt 4 năm. con gái bà, sinh viên và sau này là nhà báo Thu An (sau giải phóng là vợ của Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương) cũng hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên học sinh yêu nước và cũng bị đày ra Côn Đảo. Sau giải phóng gia đình và Ngọc Sương được công nhận là gia đình cách mạng và có công vói cách mạng. Anh ruột Bích Khê là Lê quang Khâm tham gia cách mạng từ sau năm 1945, đi tập kết, Lê Quang Hường, anh ruột Bích Khê cũng tham gia cách mạng sau Tổng khởi nghĩa. Con ông Lê Quang Khâm là Lê Quốc Ân hiện nay là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dệt May Việt Nam. Ông Lê Quang Thuần, anh ruột Bích Khê, có 4 người con đi tập kết, trong đó có Giáo sư Lê Hoài Nam nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Vinh và đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ông Lê Quang Hường, anh ruột Bích Khê có 3 nguòi con đi tập kết và đều thành đạt. Ông có một người con gái - chị Lê Phương Mai, ở lại miền Nam và tham gia hoạt động cách mạng từ trước giải phóng. Bà Lê Thị Khương, chị ruột Bích Khê, có con là Hoàng Đình Phu, một tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam và đặc biệt có chị Hoàng Thị Các, một chiến sĩ hoạt động nội thành xuất sắc thời chống Mỹ, và mới đây đã xuất hiện trên VTV là một nhân vật trong chuyên mục “Người đương thời” của Tạ Bích Loan. Sinh thời Bích Khê không có vợ, con, nhưng gia đình Khê là một đại gia đình. Các anh chị, cháu Bích Khê kẻ còn người mất nhưng hầu hết đều tham gia hoạt động hoặc theo cách mạng, đều là “người đằng mình”. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cổ truyền thống yêu nước, ghét và bất hợp tác với bọn xâm lược Pháp, với bè lũ tay sai Nguyễn Thân, Bích Khê là một nhà thơ, một người trí thức, luôn tìm tòi, khắc khoải, luôn hướng về cái đẹp của thơ, của con ngưòi, nhưng như thế không có nghĩa Bích Khê phải là một phần tử Trotskit gì đó, hay có những hoạt động gì ngược với xu hướng của cả gia đình. Việc Bích Khê trước khi mất còn nhờ người nhà đưa ra ngõ để được chào mừng đoàn biểu tình của nhân dân, chào lá cờ đỏ sao vàng, là một thể hiện lặng lẽ lòng yêu nước mà nhà thơ đã từng ấp ủ qua những bài thơ của mình, những bài thơ không chỉ đẹp mà còn rất nặng tình với quê hương xứ sở. Thơ Bích Khê đẹp và hồn Bích Khê sáng. Đó mãi mãi là một “dòng suối trong xanh” đúng như cái tên thi sĩ của ông.
Nguồn:
Tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam), Hà Nội, s. 38 (21/9/2002)
Sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn)
Tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.
Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp. Nhờ giao thông thuận tiện, có sông lớn, gần cửa biển, nên Thu Xà đã từng có thời kỳ rất sầm uất, buôn bán thịnh vượng, nhưng đã dần sa sút từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.