TỲ BÀ
.......
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Tin văn
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TỔNG KẾT GIẢI THƯỞNG HÀNG NĂM VÀ GIẢI THƯỞNG TÁC GIẢ TRẺ CỦA HỘI NHÀ VĂN NĂM 2024
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TỔNG KẾT GIẢI THƯỞNG HÀNG NĂM VÀ GIẢI THƯỞNG TÁC GIẢ TRẺ CỦA HỘI NHÀ VĂN NĂM 2024
NGUỒN: VANVN.VN, Cập nhật ngày: 16 Tháng Một, 2025 lúc 16:37
Ngày 15.01.2025 tại Thủ đô Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã trang trọng tổ chức Hội nghị triển khai công tác văn học năm 2025 và Lễ trao giải thưởng, kết nạp hội viên mới. Vanvn xin gửi đến bạn đọc “Báo cáo đánh giá tổng kết Giải thưởng hàng năm và Giải thưởng tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024” do nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam trình bày.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh Tuấn Linh
I – Hệ thống Giải thưởng hàng năm.
Năm nay, Ban Sáng tác của Hội đã nhận được 208 tác phẩm gửi tới đề cử tham dự xét giải thưởng, trong đó có 71 tác phẩm văn xuôi, 85 tác phẩm thơ, 15 công trình Lý luận phê bình, 12 tác phẩm dịch và 25 tác phẩm văn học thiếu nhi. Qua hai vòng, Sơ khảo và Chung khảo, kết quả có 7 tác phẩm đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn 2024. Về quan điểm đánh giá cụ thể từng tác phẩm, các hội đồng đã thể hiện qua lá phiếu bầu của mình. Để góc nhìn mở rộng hơn, đa dạng hơn, trong buổi lễ tổng kết hôm nay chúng ta sẽ lựa chọn thêm ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình cũng như của các nhà văn, nhà thơ dành cho những tác phẩm đoạt giải.
Sau đây là các hạng mục giải thưởng kèm theo đánh giá được trích dẫn từ các nguồn báo chí và thông tin chính thống.
Ở thể loại văn xuôi, BCH quyết định trao giải Đặc biệt cho nhà văn Y Ban với tập truyện ngắn Trên đỉnh giời, và trao giải thưởng cho nhà văn Phạm Thị Bích Thủy với tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái.
Đánh giá về tập truyện Trên đỉnh giời của Y Ban, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch khẳng định, đây là “tập truyện ngắn xuất sắc nhất mà chúng ta có thể chờ đợi ở văn chương Việt Nam hiện nay… Tất cả đều thể hiện một nỗ lực cảm động và đáng kính trọng của một nhà văn trong nghề nghiệp khi cố gắng lớn nhất của bà là vượt qua chính mình… Nhà văn Y Ban tìm kiếm những chiều kích khác nhau của đời sống, tạo nên những tình huống hiểm nghèo để bộc lộ những vấn đề khủng khiếp của nhân sinh và đi đến tận cùng cái phức tạp của con người.”
Về tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét, đây là: “một sản phẩm của năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ ngồn ngộn chất liệu của cái vòng đời đang vây bủa chúng ta. Thành công nhất của tác giả là viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này…”
Ở thể loại thơ, năm nay trao cho 3 tác giả, đó là nhà thơ Trần Lê Khánh với tập thơ Đồng, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh với tập thơ Viễn ca của, và nhà thơ Đào Quốc Minh với tập thơ Phục sinh.
Đánh giá về tập Phục sinh của Đào Quốc Minh, nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng: “Trong không gian nghệ thuật của thơ ca, tập thơ Phục sinh của nhà thơ Đào Quốc Minh mở ra một hành trình khám phá sâu sắc về tâm hồn con người. Mỗi bài thơ trong tập này đều như một cánh cửa dẫn dắt độc giả vào những không gian bí ẩn, nơi những ký ức bị lãng quên và thực tại chưa được khám phá hòa quyện. Thơ của Đào Quốc Minh không chỉ là nghệ thuật mà nó còn là một cuộc hành trình nội tâm đầy ý nghĩa.”
Ở tập thơ Viễn ca của Nguyễn Tiến Thanh, nhà phê bình Phùng Gia Thế cảm nhận: “Viễn ca là sự nối tiếp của mã thơ Nguyễn Tiến Thanh đã được định hình mấy chục năm qua, đồng thời cũng là những dấn bước tự nhiên “đi qua ngày tháng cũ” của nhà thơ trên hành trình sáng tạo. Chất trữ tình lãng mạn gắn với suy niệm thế nhân và đặc biệt là cảm hứng trữ tình thế sự – công dân của tập thơ đã chạm vào mong đợi của những người yêu thơ Nguyễn Tiến Thanh trên cả bình diện cảm xúc và lí tính.”
Nhà thơ Thi Hoàng, thành viên Hội đồng thơ đánh giá tập thơ Đồng là: “tác phẩm khá nhất của Trần Lê Khánh từ trước đến nay, chọn một hình thức truyền thống để chuyển tải một nội dung hiện đại. Tác phẩm bộc lộ một địa chỉ tâm hồn, ở đó con người thời hội nhập không xa lạ bản sắc dân tộc. Qua tập thơ Đồng, Trần Lê Khánh thể hiện sự từng trải, không chỉ từng trải vốn sống mà còn từng trải văn hóa, để thi ca đi qua cái “nhìn thấy” mà đến cái “cảm thấy”, vì vậy hạn chế được nhược điểm của thể loại lục bát là thường ít thông điệp.”
Thể loại Lý luận phê bình, được trao cho công trình Lý luận – phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975: Tiếp nhận &ứng dụng của nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh.
Theo nhà phê bình Võ Quốc Việt thì đây là công trình “không chỉ khảo sát bề rộng của thực tiễn văn học miền Nam 1954-1975 mà còn chạm đến những chiều sâu vi tế của từng hiện tượng văn học, từ những phân tích tổng thể đến từng chi tiết. Nhất là tinh thần Dân tộc – Nhân bản – Khai phóng của nền lý luận phê bình văn học miền Nam 1954-1975… Với một tư duy năng động và sáng tạo, ông tạo nên mô hình nhà văn – tác phẩm – người đọc, giúp người đọc cảm nhận sự vận động sống động trong tiến trình phát triển văn học. Ông còn đi sâu vào các quan niệm về thể loại, mang đến cho chúng ta một bức tranh phong phú và đầy màu sắc của sinh hoạt văn học miền Nam, với đủ loại khuynh hướng lý luận phê bình.”
Ở thể loại văn học dịch, năm nay Hội đồng Sơ khảo đã trình lên Hội đồng Chung khảo duy nhất một tác phẩm. Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Chung khảo, sau khi nghe các ý kiến và qua phân tích đánh giá từ nhiều phía, cân nhắc kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh, hội đồng đã quyết định bỏ trống hạng mục văn học dịch.
Thể loại văn học thiếu nhi năm 2024 Hội đồng Chung khảo đã chọn trao giải cho tác phẩm Chiếc xe buýt bay của tác giả Võ Thị Mai Chi và Huỳnh Bá Long.
Đánh giá về tác phẩm này, Hội đồng Sơ khảo cho rằng, câu chuyện trong tác phẩm “là một bài ca tình bạn của tuổi thơ trong sáng, giúp các em được bay bổng rồi lại trở về nhà để thấm thía hơn nữa tình cảm gia đình, từ đó biết yêu thương những người quanh, và biết trân trọng những gì mình đã có. Tác phẩm cũng nhắc nhở các em dù có bay theo những giấc mơ kỳ ảo, chiếc xe otto có đưa bạn đi về quá khứ, bay đến thành phố tương của trái đất 200 năm sau, nhưng không sống ảo, mà vẫn phải trở về với thực tại với ý thức bảo vệ môi trường sống của mình…”
Bìa các tập sách đạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2024
II- Hệ thống Giải thưởng tác giả Trẻ.
Năm nay có 21 tác phẩm gửi tới tham dự giải thưởng tác giả Trẻ, trong đó văn xuôi 11 tác phẩm và thơ 10 tác phẩm. Qua các vòng hội đồng, giải được trao cho tập truyện ngắn Lạc đà bay của tác giả văn Võ Đăng Khoa, và tập thơ Dưới vòm hoa đại khải của tác giả Phùng Hương Ly.
Nhận xét về tập truyện Lạc đà bay, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho rằng đây là tập truyện thể hiện được sự “chững chạc, tự tin, với tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc Lạc đà bay không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của tác giả vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Bằng thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt qua khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể. Võ Đăng Khoa tỉnh táo lần giở những buồn vui cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dầu bị dập vùi vẫn không khỏi lấp lánh.”
Về tập thơ Dưới vòm hoa đại khải, nhà thơ Trần Đức Tín cảm nhận: “31 bài thơ xoay quanh nhiều đề tài, từ chiến tranh, tình yêu, quê hương, nguồn cội đến phận số, tất cả đều được nhà thơ phác họa qua tập thơ này, dù ít về số lượng nhưng cũng vừa đủ hình tượng hóa điều muốn nói, muốn viết nên… Thơ Phùng Hương Ly không thiên về tả cảnh, cảnh chỉ là cái cớ để tải cái tình ẩn sâu trong câu chữ, nhưng dù vui hay buồn, Phùng Hương Ly chỉ phảng phất, không sa đà, tuyệt vọng”. Nhà thơ Dương Khâu Luông đánh giá: “Phùng Hương Ly bắt nhịp được với thơ mới hiện đại, tuy nhiên, vẫn kế thừa được bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, đây là điều rất đáng quý.”
Vậy là mùa giải sôi động năm 2024 của Hội Nhà văn đã khép lại, sau đây mỗi người viết chúng ta sẽ tiếp tục âm thầm lao động để nối dài thêm niềm hy vọng rằng những mùa giải sau sẽ ngày càng trù phú hơn, ngọt ngào hơn.
Sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn)
Tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.
Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp. Nhờ giao thông thuận tiện, có sông lớn, gần cửa biển, nên Thu Xà đã từng có thời kỳ rất sầm uất, buôn bán thịnh vượng, nhưng đã dần sa sút từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.