TỲ BÀ
.......
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Thi hữu
TRẦN HỮU SƠN VÀ NHỮNG KHÚC TÌNH THI VÀNG BÓNG THỜI GIAN - ÂM VANG BIỂN SÓNG
TRẦN HỮU SƠN VÀ NHỮNG KHÚC TÌNH THI VÀNG BÓNG THỜI GIAN - ÂM VANG BIỂN SÓNG
- Mai Bá Ấn
Nói về Trần Hữu Sơn thật khó biết bắt đầu từ đâu. Lý lịch trích ngang của anh cũng rất đơn giản: Sinh 1960 trong một gia đình nông dân, nơi một vùng quê nghèo ven biển, đang học phổ thông, năm 1978, anh được lệnh gọi nhập ngũ. Là con trai một, anh thuộc diện không được sang chiến trường K, vậy là được chuyển sang lực lượng thanh niên xung phong thực hiện nghĩa vụ tại một huyện vùng sâu Đăk Lăk. Do có trình độ học vấn và công tác tốt, anh được rút về Ban Kinh tế mới, được cử đi học tiếp, rồi học sư phạm để “làm nghĩa vụ”… dạy học mấy năm trên cao nguyên đất đỏ. Mãn nghĩa vụ, là con trai một, anh đành rời Tây Nguyên, về quê lập gia đình, làm nông phụng dưỡng cha mẹ già kiêm đủ mọi nghề để kiếm sống và cũng để… tiếp tục làm thơ. Cho nên, với Trần Hữu Sơn, tôi chỉ biết đọc thơ anh để nắm bắt những tư riêng ám ảnh của đời anh. Qua thơ, tôi đoán rằng, có lẽ anh xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu văn chương, từ nhỏ đã ham đọc sách, mê làm thơ, thích giao du với giới làm văn chương nghệ thuật nên năng khiếu thơ ca ngày càng phát triển. Tôi phỏng đoán thế bởi anh mê thơ Đường và là một cây thơ Đường khá chắc tay trong các Hội Đường thi! Điều này được minh chứng qua hai tập thơ của anh đã trình làng. Hai tập xuất bản cách nhau đến 3 năm (Miền trăng - 2016 và Tháp cát - 2019) mà tập nào cũng chiếm tỷ lệ lớn thơ Đường luật (tổng cộng là 55 bài Đường luật trên 193 bài thơ). Và có lẽ ưu nhược điểm của thơ Trần Hữu Sơn khởi xuất từ yếu tố gốc này.
Tôi cố đọc mặc dù xưa nay, quan niệm của tôi về thơ Đường luật có khác. Đường thi phải nằm trong không khí Đường thi riêng biệt theo một trường cảm thụ thẩm mỹ riêng, không thể đan nhòe cùng các thể loại thơ khác. Tôi lấy làm tiếc, giá như Trần Hữu Sơn tách hẳn 55 bài Đường luật này để in một tập riêng thì những bài Đường thi của anh sẽ được cảm nhận khác hẳn so với việc trộn lẫn vào trong hai tập thơ chung này. Vì với thơ Đường, việc tìm cho ra bản ngã của cái tôi trữ tình và cái nét riêng độc đáo câu từ của tác giả rất khó do sự nghiêm ngặt của luật thơ. Thông thường, ở đó, với sự khuôn phép của câu chữ, niêm luật, ta chỉ nhận ra một tâm trạng rất chung chung của người thơ khi đứng trước vũ trụ, tự nhiên hoặc một sự kiện lịch sử, một danh nhân…cùng với những cặp từ Hán Việt đăng đối rất khái quát và trang trọng theo yêu cầu thể loại! Nhưng có lẽ do Trần Hữu Sơn quá yêu thơ Đường nên cái không khí Đường thi quá vãng đã phủ trùm lên thi tứ, do đó, ta dễ nhận ra trong thơ anh (tất cả các thể) bảng lảng bóng thời gian và pha nhuộm một sắc vàng của những kỷ niệm đẹp mà buồn của những cái đã đi qua, đã mất đi, chỉ còn vang bóng lại…
Khúc tình thi vàng bóng thời gian
Đọc thơ của Trần Hữu Sơn, hiện lên dày đặt là cái màu vàng cùng với chiếc bóng thời gian đổ dài trên từng trang viết. Phát hiện ra điều này, tôi thử thống kê và đối sánh thì nhận ra rằng: Về màu sắc, tần suất xuất hiện theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: vàng (94 lần), xanh (66), đỏ - hồng (50), trắng (37) và tím (23). Trong khi đó, cùng với màu vàng, từ “bóng” cũng xuất hiện với mật độ khá dày (82 lần). Vâng! Tôi phải bỏ công thống kê như thế để minh chứng cho cảm nhận ban đầu của tôi về ưu và nhược điểm của thơ Trần Hữu Sơn như đã nói bên trên. Giờ thì… ta cùng dạo vào vườn thơ của người làm vườn Trần Hữu Sơn để cảm nhận đầy đủ hơn những vần thơ anh viết.
Đó là cái hắt hiu buồn của ngọn gió đông lả lơi trên mặt sân rợp phủ lá vàng bên trời quên lãng: Hắt hiu ngọn gió đông lơi/ Vàng sân lá rụng bên trời lãng quên (Mộng xa xăm). Chính vì lẽ đó, Trần Hữu Sơn rất mạnh khi thả hồn thơ chuồi về những ngày quá khứ với những kỷ niệm đẹp, “tìm về ký ức” để lan man giữa lòng những nhớ cùng thương: Lá tra kết mũ rộng vành/ Chân đi guốc mộc váy bành mo cau/ Dây lưng thắt đủ hai màu/ Tóc quấn con rếp bím dây tơ hồng/ Kiệu tre rước sáo sang sông/ Đi băng qua một cánh đồng cỏ hoang/ Hai bên gia tộc họ hàng/ Mặt tèm lem đất vẽ than ...râu vòi/ Vỗ tay hát điệu sông ngòi/ Vỗ tay hát khúc Bài Chòi năm xưa/ Đêm nay trời bỗng đổ mưa/ Màu trăng xưa ấy cũng vừa khuất mây/ Giấu sau đuôi mắt tháng ngày/ Đàn chim thánh thiện rẽ bầy ngàn phương/ Tìm về ký ức thân thương/ Một thời chân đất mà thương bạn mình (Miền trăng xưa). Ngày xưa ấy, có một tình yêu đẹp như mơ, đường quê có trăng trải lụa rước “Hoàng hậu của lòng anh” về với ước vọng trăm năm: Em hãy nhìn kia!/ Trăng trải lụa trên đường/ Bóng hai đứa đổ dài trên cỏ ướt/ Em mãi là Hoàng hậu của lòng anh/ Tuyệt đối trăm năm vọng ước sẽ thành/ Bằng tất cả tim yêu và sức mạnh (Ấn tượng thu). Nhưng rồi mộng vỡ tình tan, ngày người yêu theo chồng cũng là ngày trời đổ mưa trắng cả đồi hoang, lạnh cả đồng hoang, vần thơ đẹp ngày nào nay đã gãy, hoa sen cắt vội sau đình mà chẳng biết có còn ai để mà mình tặng: Một chiều bỗng gãy vần thơ/ Em về khoác áo sang bờ tình xa/ Nhà em rực rỡ xe hoa/ Gót son nhẹ bước em qua nhà người/ Chiều nay mưa trắng bên đồi./ Đồng hoang ngơ ngác còn tôi một mình./ Hoa sen cắt vội sau đình./ Ngỡ ngàng chẳng biết rằng mình tặng ai…(Gãy một vần thơ). Có cảm giác nỗi buồn quá khứ được Trần Hữu Sơn “phong kín” để rồi bây giờ nhớ lại chuyện xưa thì… vui cũng đó mà buồn cũng đó:
Ta phong kín nỗi buồn trong quá khứ
Chút tình xa vùi lấp đáy mồ hoang
Buồn uống rượu tiêu sầu bên tả ngạn
Nhìn quanh mình tắt lịm bóng thiều quang (Màu mắt đỏ).
Ở đó, dù là thơ Tám chữ, Lục bát hay Tự do vẫn đẫm không khí Đường thi với những “thánh thiện”, “gót son”, “phong kín nỗi buồn”, “uống rượu tiêu sầu” bên bờ “tả ngạn” trong hoàng hôn “tắt lịm bóng thiều quang”… Tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhận ra trong thơ Sơn xuất hiện rất nhiều lần hình bóng của đình làng quá khứ, cho dù với miền Trung, đình làng khá thưa thớt so với những vùng quê Bắc bộ. Nhưng rõ ràng ví nỗi “buồn cong tựa cái mái đình” trong cặp Lục bát này quả là một sáng tạo khá độc đáo của Trần Hữu Sơn:
Lẻ đôi còn lại một mình
Buồn cong tựa cái mái đình cuối thôn (Áo tím vườn xưa).
Chính cái quá vãng mù xa, cái nỗi đau tình phụ được phủ lên bởi bóng thời gian mà chàng trai làng trong thơ Trần Hữu Sơn không bị nỗi đau lụy tình nhấn chìm trong đau khổ, mà chỉ là sự trỗi dậy từ tiềm thức, thậm chí là vô thức một quá khứ buồn mà đẹp giúp câu thơ của kẻ “lơ ngơ” chỉ còn tự thấy bóng mình “bơ vơ” đứng tựa cột đình mà không hề quỵ ngã: Chiều nay mưa đổ trắng bờ/ Ao sâu cá chép lơ ngơ một mình/ Quán vui em với bạn tình/ Còn tôi đứng vịn cột đình bơ vơ!(Tình đơn bóng). Cho nên, bên cạnh chiếc “bóng”, ta thấy từ “dáng” cũng xuất hiện rất thường xuyên trong thơ Trần Hữu Sơn: Em về tít tận trùng khơi/ Chiều nghiêng ráng đỏ… à ơi ! Dáng buồn/…/ Vạn tiếc nuối lưu đày trên sa mạc/ Ta nghiêng mình khoác áo… bóng chiều sang! (Bóng chiều sang). Thơ tình Trần Hữu Sơn phủ vàng màu quá khứ qua bóng thời gian, và vì vậy, thường chỉ gắn liền với mái đình, dòng sông, bến nước, đồng quê… không hề thấy bóng dáng thị thành trong thơ Sơn trừ một vài hình ảnh thoáng qua mang tính đối sánh để bật lên cái đẹp của những mối tình quê và nét yên bình của không gian, cảnh vật làng quê. Ví như:
Phố xa em có thoáng buồn
Có nghe day dứt chiều buông thu vàng
Tình anh chiếc lá lang thang
Tìm em giữa chốn bạt ngàn bể khơi…(Tình như chiếc lá).
Cho nên ẩn hiện trong thơ Sơn là những “sông trăng cũ”, dòng chữ khắc ở “vỏ đa” già cùng “áo lụa vàng phơi ở bến quê” và “lời thương trót hẹn dưới trăng thề”: Ta về thăm lại sông trăng cũ/ Sờ chữ ngây thơ khắc vỏ đa/ Nét chữ nghiêng nghiêng vòng rộng mở/ Mà đời hẹp tựa bóng chim qua/…/Ai kéo tháng ba về trước ngõ/ Giặt áo lụa vàng phơi bến quê/ Ta tiếc ngày xuân màu áo đỏ/ Lời thương trót hẹn dưới trăng thề (Tình khúc tháng ba). Hết “Vàng sân lá rụng”, đến “Giặt áo lụa vàng phơi bến quê” thời trai trẻ, rồi lại là “Nắng vàng trải thảm” theo từng bước thời gian đi, để mãi đến cuối đời (cuối thu), thơ anh vẫn “vàng mãi cơn đau cuối chiều” với tiếng gọi tìm đàn lạc loài của cánh chim đơn lẻ: Nắng vàng trải thảm chiều hoang/ Con chim oanh vũ lạc đàn gọi nhau/ Cuối thu lá đã thay màu/ Mà sao vàng mãi cơn đau cuối chiều! (Cơn đau cuối chiều). Và cứ thế, càng đọc thơ Sơn, ta càng thấy rõ bóng thời gian đã ươm cả một sắc vàng làm sống dậy cả một trời quá vãng: Tay ôm những sợi nắng vàng/ Bóng chiều loáng thoáng trên ngàn lá xanh/ Chao ôi! Sợi nắng mong manh/ Lỡ tay nắng đã trôi nhanh theo chiều… “Nắng trôi nhanh theo chiều” nên “Bỗng dưng trang giấy tím phơi giữa chiều vàng” là một sáng tạo khá tự nhiên và lôgich:
Nét thi pháp này phần nào giúp ta nhận ra được sự ám ảnh Đường thi đối với thơ của Trần Hữu Sơn là khá rõ.
…Và âm vang biển sóng
Sinh ra nơi một vùng quê ven biển miền Trung (Tịnh Hòa, Quảng Ngãi), những làn gió biển mặn mòi, những ầm ào con sóng vỗ ghềnh, những xào xạc hàng dương, những mịt mù gió cát… đã hằn sâu trong tâm thức Trần Hữu Sơn một kiểu địa - văn hóa đầy âm vang biển sóng. Tôi đã thử làm phép thống kê và thấy rằng sức ám ảnh của lớp địa - văn hóa này đối với Trần Hữu Sơn là vấn đề không cần bàn cải. Những từ liên quan đến biển, đảo, sóng, cát, thuyền… xuất hiện bàng bạc trong thơ anh, kể cả ở thơ Đường, với tổng cộng 283 lần ở rất nhiều dạng thức và ngữ nghĩa khác nhau, kể cả nghĩa tường minh và nghĩa biểu trưng.
Đó là hình dáng những “con sóng đùa vui rồi tan biến”, những “mùa bão biển nhọc nhằn”, bọt sóng vỡ tan, tình đã tan, vớt lên giữa biển tình chỉ còn là những “bọt tình” mong manh dễ vỡ: Em đưa ta/ Lệch về phía chân trời/ Nơi con sóng đùa vui rồi tan biến/ Nơi góc khuất/ Ngàn năm nhọc nhằn mùa bão biển/ Để đêm dài/ Hứng trọn nỗi niềm đau (Bọt tình). Có thể nói, chính sự ám ảnh của nét địa - văn hóa này mà bên cạnh các cụm từ “biển tình”, “sóng tình”… phổ biến, Trần Hữu Sơn đã sáng tạo thêm được thứ “bọt tình” khá thi vị và thơ tình của anh ngập tràn âm vang trùng khơi, gió cát: Nơi em ở trùng dương xanh bát ngát/ Dáng em xinh lướt nhẹ dưới triều êm/ Hư ảo thân em anh vẫn mãi đi tìm/ Chân dừng bước trước bãi dài hoang vắng./ Cát khúc khích cười anh trong thầm lặng/ Gió hiểu tình anh ra biển gọi tên em (Sóng tình). Khi viết về biển sóng, ta có cảm giác Trần Hữu Sơn tung tẩy câu thơ một cách rất tự nhiên cứ như hồn anh đã ngập tràn cả một trùng dương với những “cánh buồm rong”, những “khoang dâu bể”, những “vết sẹo trùng khơi” và “vời vợi bóng sao khuya” quanh những “tháp dã tràng”: Ta cuốn lại cánh buồm rong biển cả/ Sau bao ngày giong ruổi giữa đại dương/ Khoang dâu bể thương mạn thuyền kiêu bạc/ Kiếp tang bồng mang vết sẹo trùng khơi/.../Đêm hoang hoải thả hồn loang biển mặn/ Cổ độ sầu mấy dạo áo trăng phơi/ Tình mộng ảo cắm sào thuyền đứng đợi/ Tháp dã tràng vời vợi bóng sao khuya (Vết sẹo trùng khơi). “Đáy đại dương” chính là nơi chất chứa, giam hãm giữa thẳm sâu những “vũng tình sâu lắng”:
Ở nơi ấy có vũng tình sâu lắng
Duyên tù đày thăm thẳm đáy đại dương (Sóng tình).
Chính những ngọn sóng lòng chìm khuất, đau thương lâu ngày, khi thoát được ngục tù, xô vào ghềnh đá đã khiến Trần Hữu Sơn buột lên hai câu thơ làm sầu đau cả lòng biển mặn:
Khuất trong con sóng xô ghềnh
Lòng đau biển mặn sầu lên mấy mùa (Góc khuất).
Ta có cảm giác kẻ đau tình đang cô độc thét gào, chới với giữa biển khơi để rồi trong mơ thấy bóng em về: Là giọng chú kình ngư gào biển nhớ/ Giữa mênh mông trùng dương đầy cách trở/ Có lẽ nào còn lại chỉ mình anh?/ Không có em thành quách sẽ tan tành/ Và tất cả sẽ biến thành sa mạc/ Anh ôm mặt gục đầu trên dải cát./ Và trong mơ… anh bỗng thấy em về (Sóng tình). Nỗi đau tình hóa thân thành sóng biển va đập đêm ngày khiến ghềnh đảo vắng cũng thấm đau để âm vang tỉ tê buồn những câu chuyện tình yêu: Trăng cổ xứ sao không về đảo vắng/ Để ghềnh đau nhớ tóc xõa bên trời/ Hận tình chết con sóng gào trong nắng/ Ngày âm vang, đêm kể chuyện ngàn khơi! (Nỗi buồn đảo vắng). Chuyện tình đau đến chừng như cả vũ trụ này cũng chao đảo giữa trùng khơi bởi cơn địa-chấn-tình:
Vũ trụ nầy như đứng giữa trùng khơi
Cơn địa chấn vỡ tung toà tháp ái (Tháp cát).
Quá lắm đau thương, đôi lúc người thơ cũng buông lời trách móc: Biển biết rõ
kiếp du thuyền trăm ngả/ Mà sóng ru bờ cát để làm gì?/ Tình yêu nào mang đôi cánh thiên di/ Bay mãi miết tìm chi trong nắng hạ/ Giao khúc xuân mơ/ Thu tình rệu rã/ Trả ghềnh xưa loang lổ vách mong chờ (Đợi chờ). Nhưng, điều đáng trân trọng của thơ tình Trần Hữu Sơn là dù có trách móc khi bị phụ phàng, chia biệt,... đọng lại cuối cùng vẫn là một kỷ niệm đẹp, bao dung và nhân hậu. Chia tay, đứng bên bờ sông vẫy tay đưa tiễn người tình “sang sông” mà vẫn không hờn oán, vẫn “thỏa ước mơ vùng biển động”, vẫn xem em là “nơi trú ẩn của hồn anh”: Hãy cho anh ôm trọn niềm mơ ước/ Làm con tằm nhả mãi sợi tơ tim/ Dẫu mai kia tằm chết rượu say mèm/ Hai hình ảnh song song vào cuộc sống/ Anh vẫn thoả ước mơ vùng biển động/ Và ven bờ tay vẫy sáo sang sông (Vùng trú ẩn). Để đêm đêm khi “con sóng trêu bờ cát” cũng là lúc hồn thơ vượt lên trên tình yêu bé mọn, hòa vào với gió khơi, bay mênh mang kể chuyện tang bồng:
Nửa đêm con sóng trêu bờ cát
Kể chuyện tang bồng với gió khơi (Tình khúc tháng ba).
Và cuối cùng, tất cả dư vị ngọt ngào - cay đắng ấy của tình yêu chính là cội nguồn cho hồn thơ thăng hoa để thả nốt những cung tình. Tất cả rồi qua đi, chỉ có thơ là mãi mãi:
Ta quỳ gối bên sông dài nhạt nắng
Nghe âm vang loạt sóng vỗ ven bờ
Xin thả nốt cung tình trong cay đắng
Để canh trường còn lại…chỉ vần thơ! (Phút trầm tư).
Cho nên, tôi nghĩ, với Trần Hữu Sơn, thơ mới chính là nỗi đam mê, niềm trăn trở lớn nhất của đời anh!
Với những ưu điểm đã phân tích bên trên, người đọc cũng dễ nhìn ra nhược điểm của thơ Trần Hữu Sơn. Đó là lượng từ Hán Việt (tình sương, dạ khúc, trùng khơi, đài gương, oanh vàng, cổ độ sầu…) cùng với đối tượng miêu tả của Đường thi (mây, gió, trăng, hoa, sương…) xuất hiện bàng bạc trên những trang thơ (kể cả những bài không phải là Đường luật). Hơn nữa, đây lại là những trang thơ tình, phủ bóng thời gian đã đi qua, nên hơi hướng hiện thực của cuộc sống náo động hôm nay có xuất hiện cũng chỉ là đôi nét thấp thoáng. Đôi lúc cố thoát ra khỏi trường thẩm mỹ của Đường thi để vươn tới thì thơ Sơn cũng chỉ tiệm cận đến vệt đi đã khá sáo mòn của Thơ Mới đầu thế kỷ XX: Người hãy về đi, hãy về đi/ Đừng nói chi thêm có ích gì/ Hành trang xếp lại từng trang mỏng/ Đốt dưới trăng ngàn... khóc biệt ly! (Khóc biệt ly)… Còn khi muốn đưa hiện thực cuộc sống đang náo động, đổi thay của quê hương mình vào thơ thì Trần Hữu Sơn lại rơi vào lối văn vần tự sự, thiếu cảm xúc và ít chất thơ: Xe qua hết đập Khê Hòa/ Cuối rừng đước mặn chính là quê hương (Quê tôi)… Cho nên, như ngay từ đầu tôi đã nói, thơ Trần Hữu Sơn, ưu và nhược cũng từ cái gốc Đường thi hoài cổ mà ra chính là vì vậy.
Vĩ thanh
Đến đây, nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc: Tại sao khắc họa chân dung thơ Trần Hữu Sơn mà người viết chỉ gọi là “những khúc tình thi”? Chẳng lẽ trong cả hai tập thơ, Trần Hữu Sơn chỉ dành để viết cho tình yêu đôi lứa? Vâng! Xin được giải bày như sau: Tôi muốn gọi “tình thi” (Hán Việt) thay cho thơ tình (thuần Việt) là để hợp với (đúng bản chất) ngôn ngữ Đường thi mà giọng thơ Sơn thường có. Còn chỉ là “tình thi” bởi lẽ, trong tổng 193 bài thơ của Sơn thì thơ tình chiếm đến 160 bài (tỉ lệ đến 83%), chỉ còn 33 bài (17%) là dành chung cho các chủ đề khác (mà là những bài ít thành công nhất của Sơn), trong đó, chỉ có 5 bài dành viết dâng mẹ và cha là đáng ghi nhận: Giấu sau mắt Mẹ ngàn lau/ Bóng Cha không thể phai màu thời gian/Vải thưa Mẹ nhuộm vỏ tram/ Cha đi trong khói chiều lam… nửa đời/ Ngoài hiên từng giọt cứ rơi/ Mẹ òa bật khóc… bên trời cơn mưa (Cơn mưa của Mẹ). Đặc biệt hơn nữa là, như ta biết, thơ Đường thường dành cho những rung cảm lớn trước vũ trụ, thiên nhiên và các sự kiện, nhân vật,… nhưng trong tổng số 55 bài thơ Đường của Trần Hữu Sơn có đến 22 bài (chiếm 40%) lại có xu hướng nghiêng về rung cảm tình yêu, thậm chí là nỗi đau chia biệt của tình đôi lứa: Lá trúc trêu hồn bày song mộng/ Hoa cau ủ nụ rối hương đòng/ Em về bên ấy vui duyên mới/ Anh đứng bên này mãi ngóng trông (Thương chờ vạt nắng). Cả đến thơ Đường cũng nói tình đôi lứa, thì đúng là cả đời thơ Sơn chỉ dành riêng cho những khúc “tình thi”, mà đa số là những khúc tình dang dở…
Là người có tư chất thi ca, để tiếp tục thỏa đam mê trên con đường thơ nghiệt ngã, chỉ mong Trần Hữu Sơn nghiêng rung cảm lòng mình về với hơi thở cuộc sống đương đại nhiều hơn, vận dụng nhiều hơn nữa lời ăn tiếng nói thường ngày vào thơ để thoát bớt những ám ảnh của hơi hướng Đường thi, hòa thơ mình vào dòng chảy chung của thi ca đương đại.
Làng Yên Phú, những ngày giãn cách vì Covid, Hè - Thu 2021
Sinh ngày 24.3.1916 (tức ngày 21.2. năm Bính Thìn)
Tại quê ngoại ở xã Phước Lộc, nay là xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.
Ông lớn lên và sống chủ yếu tại quê nội ở thị trấn Thu Xà, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một thị trấn cổ, có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp. Nhờ giao thông thuận tiện, có sông lớn, gần cửa biển, nên Thu Xà đã từng có thời kỳ rất sầm uất, buôn bán thịnh vượng, nhưng đã dần sa sút từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.